spot_img

LỄ VIẾNG BIA TRUYỀN THỐNG HẺM 83 ĐỀ THÁM

Cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp của nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy chấn động địa cầu. Chiến thắng Điện Biên Phủ 07/5/1954 là một trong những chiến thắng vĩ đại nhất của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp trường kỳ, gian khổ. Chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời, phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì Đế Quốc Mỹ lại nhảy vào vung thanh gươm đẫm máu chia cắt 2 miền đất nước. Nhưng điều đó không thể có: vì Tổ quốc ta, dân tộc ta có truyền thống đấu tranh hào hùng của Bà Trưng, Bà Triệu, của Hưng Đạo Vương, Lê Lợi, Quang Trung. Vì nhân dân ta có Đảng Cộng Sản Việt Nam, có Bác Hồ vĩ đại, có trái tim yêu nước nồng nàn của 32813 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và biết bao nhiêu bà mẹ khác đã bao lần khóc tiễn con đi để rồi lại lặng lẽ âm thầm nuôi dấu những đứa con khác làm cách mạng.

Đất nước đã hòa bình thống nhất nhưng vẫn không quên những tháng ngày gian nan lên rừng xuống biển,xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, vẫn không quên những người con trung hiếu của Tổ Quốc đã quên mình Vị Quốc Vong Thân.

Ngày 06/5/2024, tại địa chỉ hẻm số 83 Đề Thám, phường Cô Giang; trước tấm Bia truyền thống minh chứng cho trận đánh lịch sử hào hùng và sự hi sinh anh dũng của các thế hệ cha anh; toàn thể CCBB, người lao động và nhân dân phường Cô Giang lại cùng thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết sục sôi cách mạng, tiếp nối ngọnlửa nồng nàn trào dâng lòng yêu nước của liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát, liệt sĩ Hà Văn Tiết, liệt sĩ Quang và biết bao chiến sĩ đồng bào khác.

Tham dự Lễ viếng bia truyền thống có các đồng chí:

– Về phía lãnh đạo phường Cầu Ông Lãnh có đồng chí Trần Đỗ Nam Long, Bí thư Đảng ủy phường Cầu Ông Lãnh;

– Về phía lãnh đạo phường Cô Giang: Đồng chí Lê Thu Huyền – Bí Thư Đảng ủy cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành đảng bộ phường, các đồng chí Chi ủy viên của các Chi bộ trực thuộc; Đồng chí Huỳnh Minh Thắng – Phó Bí thư Đảng ủy cùng các đồng chí trong Khối vận phường; Đồng chí Trần Trọng Nghĩa, Phó Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch UBND phường cùng các đồng chí bộ phận trực thuộc, lực lượng vũ trang, 7 Khu phố, Cán bộ công chức, người lao động Ủy ban nhân dân phường;Đồng chí Huỳnh Thanh Nhung, Đảng ủy viên, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam phường cùng các thành viên Mặt trận phường và Ban Công tác mặt trận 07Khu phố.

Và đặc biệt, trong buổi lễ viếng bia truyền thống, chúng ta còn vinh dự được đón tiếp: Đồng chí Lê Hồng Quân, Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn nữ biệt động Sài Gòn Lê Thị Riêng; Bà Hà Thị Diệu Hừng, con gái của Liệt sĩ Hà Văn Tiết

Mở đầu đợt II tại Sài Gòn Gia Định vào đêm 4 rạng ngày 05/05/1968. Trong hẻm 83 Đề Thám, tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng (nữ biệt động nội thành Sài Gòn Gia Định, đặt chỉ huy sở tại 3 nhà: 83/2 – 83/4 – 83/6 do đồng chí Lê Hồng Quân chỉ huy đã triển khai gom giữ ngụy quân, ngụy quyền, đặc vụ,… sinh sống trong vùng. Phát động quần chúng trên toàn khu vực nổi dậy khởi nghĩa : đốt cờ ba que, sổ gia đình, phiếu kiểm soát và các giấy tờ kèm kẹp. Quần chúng trên toàn khu vực phấn khởi nổi dậy theo hướng dẫn của các chiến sĩ làm các ống cống lớn chất trên vỉa hè ra làm chướng ngại chặng đường, các gia đình có dụng cụ rào chắn đều chủ động đóng góp. Quần chúng cùng chiến sĩ của tiểu đoàn đào công sự chuẩn bị cho biệt động chiến đấu.

Bộ đội ta và giặc trên địa bàn phường Cô Giang giằng co quyết liệt. Đơn vị biệt động trong điều kiện không cân sức đã dũng cảm chiến đấu đẩy lùi nhiều lượt phản kích của giặc. Khi giặc tăng quân phản kích xiết vòng vây tại hẻm 83 Đề Thám, trong nhiệm vụ chiến đấu thu hút hỏa lực giặc để bảo vệ đồng đội rút quân an toàn. Đồng chí Lê Thị Bạch Cát (sáu Xuân),đồng chí Hà Văn Tiết người công nhân “Ba Son” đã anh dũng chiến đấu và hy sinh tại hẻm 83 Đề Thám.Đồng chí Lê Hồng Quân và đồng chí Quang bị thương nặng, giặc xông vào lôi 2 thương binh đi khảo cung, bị tra tấn ác liệt vào vết thương, đồng chí Quang đã hy sinh.

Đồng chí Lê Hồng Quân (thứ nhất bên phải) không khỏi xúc động bồi hồi kể lại khoảng thời gian cùng đồng đội ngày đêm bám trụ hẻm 83 Đề Thám chiến đấu đến cùng.

Những tấm gương hào hùng đó của đồng chí Lê Thị Bạch Cát, đồng chí Hà Văn Tiết, đống chí Quang, hơn 50 năm qua và hơn thế nửa mãi mãi muôn đời chói lọi cho thế hệ mai sau.

Năm tháng sẽ qua đi, nhưng với cả nước, với thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, chiến công của cuộc Tổng Tiến Công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968,  tiền đề của  Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 sẽ mãi mãi sống trong lòng các thế hệ người Việt Nam, đó là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là khí phách VN,  lòng trung thành vô hạn với Tổ Quốc và nhân dân, tinh thần sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp giải phóng và sự trường tồn của dân tộc trong những thời điểm thử lửa ác liệt nhất của lịch sử.

Bài viết cùng chuyên mục

Bài viết mới nhất