spot_img

HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ VÀ LUẬT PHÒNG, PHÒNG THAM NHŨNG

Sáng ngày 24/5/2024, Đảng ủy phường Cô Giang tổ chức Hội nghị triển khai Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 và luật phòng, phòng tham nhũng 2018. Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Lê Thu Huyền – Bí thư đảng ủy phường; Huỳnh Minh Thắng – Phó Bí thư Đảng ủy phường; Trần Trọng Nghĩa – Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phương; Huỳnh Thanh Nhung – Đảng ủy viên, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường cùng các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành đảng bộ; Trưởng, phó các Tổ chức chính trị xã hội, các đồng chí chi ủy 15 chi bộ trực thuộc cùng toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, người lao động phường.

Tại hội nghị, cán bộ, đảng viên đã được nghe báo cáo viên là đồng chí Trần Hữu Nghĩa – Phó Trưởng Ban Dân chủ – Pháp luật Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP HCM triển khai nội dung Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 và luật phòng, phòng tham nhũng 2018.  

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 10/11/2022. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023. (Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20 tháng 4 năm 2007 của  Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Nghị quyết số 55/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 30 tháng 8 năm 1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành). Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 06 chương, 91 điều quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền thụ hưởng của công dân về thành quả phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và nghĩa vụ kịp thời phản ánh, kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật cũng quy định phạm vi thực hiện dân chủ đối với từng loại hình cơ sở; hình thức chế tài xử lý vi phạm đối với từng nhóm chủ thể và hành vi vi phạm. Luật cụ thể hóa đầy đủ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Trong đó quy định rõ những nội dung công khai để Nhân dân biết, Nhân dân tham gia ý kiến, Nhân dân kiểm tra, giám sát và Nhân dân thụ hưởng. Quy định cơ chế bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp phường, Ban công tác MTTQ ở khu phố; Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư ở cộng đồng và vai trò, trách nhiệm của công đoàn, tổ chức đại diện người lao động ở cơ quan, tổ chức, đơn vị trong từng việc, từng bước, từng khâu thực hiện dân chủ một cách thống nhất, xuyên suốt. Là nền tảng chính trị, pháp lý quan trọng để Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện đường lối, chính sách, pháp luật về dân chủ nói chung, dân chủ ở cơ sở nói riêng, từ đó góp phần hoàn thiện các thiết chế về dân chủ.

Luật PCTN năm 2018 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 20/11/2018 gồm 10 chương với 96 điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Luật đã mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp PCTN ra khu vực ngoài nhà nước, phù hợp với quan điểm chỉ đạo tại Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; khắc phục hạn chế, bất cập được phát hiện qua tổng kết thực tiễn thi hành Luật PCTN 2005, từ quy định về biện pháp phòng ngừa cho tới các quy định về phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Luật PCTN 2018 có những sửa đổi về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn khác; định mức, tiêu chuẩn, chế độ; việc tặng quà, nhận quà tặng; việc thanh toán qua tài khoản; kiểm soát xung đột lợi ích; kiểm soát thu nhập.

Thông qua buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về luật dân chủ ở cơ sở năm 2022 và Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 giúp đảng viên, cán bộ, công chức, người lao động phường thêm các kiến thức, phương pháp thực hiện Luật dân chủ ở cơ sở, từ đó tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, triển khai thực hiện hiệu quả Luật trong thời gian tới. Đồng thời, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động, nâng cao hiểu biết pháp luật về phòng chống tham nhũng của đảng viên, cán bộ, công chức, người lao động, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn phường.

Kết thúc hội nghị đồng chí Lê Thu Huyền gửi lời cảm ơn đến đồng chí Trần Hữu Nghĩa – báo cáo viên tại hội nghị và đề nghị các đơn vị, các chi bộ trực thuộc tiếp tục quán triệt nội dung Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 và luật phòng, phòng tham nhũng 2018 trong sinh hoạt định kỳ của chi bộ.

Bài viết cùng chuyên mục

Bài viết mới nhất